Hoạt động
  • Quảng cáo 2
  • Banner STU
  • Quy sua cho tre phoi nhiem
  • MixMarket
Đối tác
  • Canadian Cooperative AssociationCordaid
  • RabobankRimansi
  • FordActionaid Vietnam
  • ChemonicsMcKnight
  • The Asia FoundationCFLI
14/04/2020 10:43:30 AM

Ước mơ làm giàu của doanh nhân tài chính vi mô 2019

(Lượt xem: 760)

Giống như bao khách hàng khác của Chương trình Tài chính Vi mô Cộng đồng- CMF, chị Mào Thị Thương, một phụ nữ dân tộc Thái ở Bản Mường 3, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biện luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Năm 2016, khi kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, chị Thương vay 15 triệu đồng vốn của Chương trình để chăn nuôi lợn nhưng lợn chết cả đàn vì mắc dịch. Trắng tay, vợ chồng chị đành gửi 2 con nhỏ cho bố mẹ để đi Hải Phòng làm phụ hồ. Sau một thời gian làm việc vất vả, thu nhập không ổn định, họ lại trở về quê để tìm hướng làm kinh tế.

Biết đến mô hình trồng cây chanh leo ở Thuận Châu, Sơn La qua truyền hình, hai vợ chồng chị khăn gói xuống tận nơi học kinh nghiệm. Sau một thời gian tính toán, đầu năm 2017, chị làm đơn vay của CMF 25 triệu đồng để đầu tư cho 1ha chanh leo. May mắn thay, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp nên chỉ sau một thời gian ngắn, chanh bám giàn và phát triển rất nhanh. Tháng 6 năm 2017, gia đình chị vui mừng hái lứa chanh đầu tiên. “Nhìn vườn chanh trĩu quả, không chỉ người trong gia đình mà cả bà con, những ai qua đây đều muốn ghé thăm vườn của tôi. Chanh thơm, quả mọng được thương lái đến thu mua ngay tại vườn” chị Thương chia sẻ. Mỗi lứa chanh cách nhau chỉ từ 2 đến 4 ngày nên chị thường phải thuê 5 người làm việc liên tục tại vườn để đảm bảo việc chăm sóc và thu hái kịp thời.

Trong quá trình chăm sóc chanh, gia đình chị vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Từ những kinh nghiệm thực tế và kiến thức học từ bạn bè, gia đình chị đã xử lý được bệnh chanh nhiễm nấm bằng phun chế phẩm sinh học, hạn chế được chanh chết do nhiệt độ cao nhờ làm dàn bằng cọc tre và dây nhựa. Việc tuân thủ chặt chẽ quy trình chăm sóc và sử dụng phân vi sinh, phân ủ hoai để bón, không chỉ giúp chanh cho quả mọng và chất lượng cao mà còn hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh do không dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học.

Sau gần 3 năm, gia đình chị đã thu được 30 tấn chanh quả và cho thu nhập 310 triệu đồng. Biết thị trường còn lớn, chị lên kế hoạch mở rộng diện tích chanh lên 5 ha và liên kết với các hộ dân khác cùng trồng để tạo thành vùng nguyên liệu. Tháng 7 năm 2019, chị Thương ký hợp đồng với công ty cổ phần NAFOODS Tây Bắc tiêu thụ 50 tấn chanh quả trong năm 2020. Với quy mô sản xuất như vậy, chị Thương cần 40 lao động làm việc thời vụ và 12 người làm việc  thường xuyên. Chị thuê một căn nhà gần vườn làm nơi ăn, chốn nghỉ cho người làm công. Chị không ngờ, khi chuẩn bị thực phẩm cho công nhân, một số người qua đường ghé vào đặt thêm suất ăn. Dần dà, số người đến ăn bếp nhà chị ngày một tăng. Vì thế chị có thêm ý tưởng mở quán cơm. Hiện nay, có 2 lao động phục vụ quán cơm và được chị trả lương 4 triệu đồng/người/tháng. Chị Thương ước tính, với hai mô hình sản xuất và kinh doanh hiện nay, chị sẽ giải quyết việc làm cho 50 lao động.

Sự thành công của gia đình chị Thương đã thu hút không ít người dân trong địa phương đến học hỏi kinh nghiệm. Từ năm 2017 đến nay, chị luôn được Ủy ban nhân dân xã Mường Mùn tuyên dương “Gương làm kinh tế giỏi”. 

Trong cuộc trò chuyện chị Thường xúc động nói “Trước hết tôi xin cảm ơn những người đã sáng lập ra Chương trình Tài chính vi mô - CMF và các cán bộ thực hiện Chương trình này đã tin tưởng cho những phụ nữ thu nhập thấp như chúng tôi vay vốn. Vốn của CMF không những luôn thúc đẩy tôi phải nghĩ và tính toán để có thu nhập thường xuyên mà còn tạo cơ hội cho tôi tích lũy tài sản thông qua việc hoàn trả dần gốc lãi theo kỳ. Đối với gia đình tôi, vốn của CMF đã góp phần lớn vào sự thành công của mô hình trồng chanh leo. Nếu không có vốn CMF thì chắc chắn tôi không thực hiện được kế hoạch trồng chanh vì thời điểm đó không ngân hàng nào dám cho tôi vay vốn khi không có tài sản thế chấp.” 

Đến nay, chị Thương đã thực hiện được ước mơ làm giàu của mình. Chị mong muốn sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người để gia đình và bản làng của họ cùng phát triển. 

Một số hình ảnh về chị Mào Thị Thương:




Một góc giàn chanh leo



Quán ăn nhà chị Thương



Chị Thương chăm sóc vườn chanh