Thư viện
  • Quảng cáo 2
  • Banner STU
  • Quy sua cho tre phoi nhiem
  • MixMarket
Đối tác
  • Canadian Cooperative AssociationCordaid
  • RabobankRimansi
  • FordActionaid Vietnam
  • ChemonicsMcKnight
  • The Asia FoundationCFLI
28/05/2013 08:46:57 AM

Chuyện về nghị lực của 3 chị em gái “không chân”

(Lượt xem: 1414)

Trong tháng 11.2012, CFRC thực hiện chuyến đi đánh giá dự án cho dự án của Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam tại ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Chúng tôi đã gặp và tiếp xúc với nhiều cảnh đời đầy khó khăn, vất vả của những nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật. Trong đó, câu chuyện của ba chị em "không chân" và nghị lực sống của họ để lại trong đoàn đánh giá nhiều ấn tượng sâu sắc.

Ba chị em bà Phạm Thị Mến 63 tuổi; Phạm Thị Hiền 57 tuổi và Phạm Thị Thu 55 tuổi cùng sống trong ngôi nhà xập xệ cha mẹ để lại; cùng bị teo hết hai chân, chỉ có thể lê nhích bằng tay; cùng chăn nuôi gà lợn, đắp đổi qua ngày.

 Chuyện về nghị lực của 3 chị em gái “không chân”
Ba chị em bà Mến có chân mà cũng như không bởi đôi chân ai cũng đã teo nhỏ, mọi sự di chuyển, lê lết phải phụ thuộc vào đôi tay

 

Để tồn tại, bà Mến cùng các em (trú tại thôn Hội Thọ, xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) chăn nuôi gà, lợn, kiếm thêm thu nhập. Bà thường nuôi ba bốn chục con gà và 1-2 con lợn. Nhà có 3 sào ruộng nhưng các bà không tự làm được, cho người khác cấy, nhận lại mỗi vụ 40 kg thóc/sào. Cuộc sống rất chật vật! Bà Phạm Thị Mến đã được xét chọn để nhận được một khoản vay 9 triệu đồng từ VVAF vào tháng 6/2012. Với số tiền này bà đã mua 130 con gà giống, quây lại trước nhà để nuôi. Trước nhà có một ao nhỏ, bên bờ ao, rau các loại được chăm sóc tươi tốt để có thức ăn cho gia đình. Dưới ao nuôi bèo để chăn nuôi.

 

Bà cho biết sau ba tháng chăn nuôi, bà đã bán 50 con gà lớn, thu về 9 triệu đồng. Nhưng thật không may, cơn bão số 8 vừa qua ập vào Nam Định đã làm sập mất ngôi nhà cũ, ba chị em bà phải trú tạm trong căn bếp. Cơn bão cũng làm tốc mái che đàn gà và trút mưa xối xả nên bà phải đem gà gửi nhà hàng xóm.
 
Bà Mến ngồi trên chiếc xe tự chế, tự lái, dẫn đoàn khách đi thăm đàn gà của mình
Bà Mến ngồi trên chiếc xe tự chế, tự lái, dẫn đoàn khách đi thăm đàn gà của mình

 

Khi đoàn chúng tôi tới thăm, bà cho biết đêm qua có kẻ trộm vào bắt trộm gà, may người nhà phát hiện kịp thời hô hoán nên kẻ trộm đã bỏ lại bao tải gà.

 

Bà Mến gọi hai người em gái cùng cảnh ngộ ra tiếp chúng tôi. Bà nói: “Chúng tôi làm được tất cả các công việc, từ chăn lợn, cho gà ăn, trồng rau và ra tận chợ để mua gà giống, mua cám...”. Như để chứng minh cho lời nói của mình, bà mời chúng tôi theo bà sang nhà hàng xóm, nơi bà đang gửi đàn gà để kiểm tra. Nhìn con ngõ lầy lội, chúng tôi còn đang băn khoăn, ái ngại không biết bà sẽ đi bằng cách nào với đôi chân teo nhỏ như thế thì một chị hàng xóm đã dắt vào một chiếc xe đạp ba bánh tự lái bằng tay. Chị hàng xóm bế bà ngồi lên xe, bà tra cán lái vào ghi đông cho đủ dài rồi quay xe đi ra ngõ, vừa đi bà vừa nói “tôi vẫn tự mình lên xe bằng cách bắc ghế và lê lên từng bậc”.

 

Đàn gà dự án vay vốn của bà Mến
Đàn gà dự án vay vốn của bà Mến

  

Bà Mến cho biết mình và các em đã có kế hoạch trả nợ khi vốn đến hạn. “Mình không thể phụ lòng tin và sự quan tâm của cấp trên, đến hạn thì chúng tôi sẽ hoàn trả đầy đủ để Hội Người khuyết tật còn giúp đỡ người khác”, bà khảng khái nói. Khi được hỏi về việc bà có tiền tiết kiệm không, bà cho biết cả ba chị em không có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng nhưng hàng tháng vẫn chơi họ để dự phòng khi trái nắng trở trời.
 

Chia tay chúng tôi, bà bày tỏ mong muốn sau khi đã trả hết khoản nợ vốn, 3 chị em bà sẽ được Hội Người Khuyết tật tỉnh giúp đỡ cho 1 chiếc xe lắc (tự lái) để thay thế chiếc xe hiện tại đã sắp hỏng. Bởi khi cả 3 chị em không có đôi chân, chiếc xe chính là phương tiện duy nhất giúp chị em bà kiếm sống.

 

Lê Lân