Hoạt động
  • Quảng cáo 2
  • Banner STU
  • Quy sua cho tre phoi nhiem
  • MixMarket
Đối tác
  • Canadian Cooperative AssociationCordaid
  • RabobankRimansi
  • FordActionaid Vietnam
  • ChemonicsMcKnight
  • The Asia FoundationCFLI
18/06/2018 15:22:53 PM

Thành viên của HTX Đồng Tâm đã làm thay đổi tôi

(Lượt xem: 746)

“Chỉ có những thành viên HTX  Đồng Tâm dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư”, hãnh diện và tự hào, Giám đốc HTX Đồng Tâm – Nguyễn Xuân Hoàng đã viết câu đó trên trang facebook của mình vào tháng 5/2018.




Nhớ lại ngày đầu khi triển khai Dự án “Sinh kế cho nhóm bị mất đất tại vùng mới đô thị hóa Hà Nội”, vào tháng 7 năm 2014, tôi gặp anh tại đầu cầu thang tầng 3 của trụ sở phường Giang Biên. Hình như anh đang đưa tiễn 1 cán bộ Dự án của chúng tôi ra về thì phải. Thấy tôi đi lên, mọi người dừng lại chào hỏi. Tôi được cán bộ Dự án giới thiệu nhanh: “Đây là anh Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ nhiệm HTX Đồng Tâm thuộc phường”. Nghe vậy , tôi dừng lại hỏi han, chia sẻ lo lắng về đất nông nghiệp của Phường đã bị mất cho việc đô thị hóa. Các khu chung cư cao tầng, khu biệt thự, thương mại dịch vụ, mọc lên như nấm mùa xuân, trên 40,000 dân đang từ từ đổ về đây … và gợi ý về cần phải chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX theo hướng mới.

Với  vẻ mặt chán ngán, anh lắc đầu và khẳng định: “không làm được đâu. Dân ở đây nói họ ko nghe, cháu đã thử nhiều lần rồi mà không được. Người trẻ thì bỏ nông nghiệp đi làm ngành nghề khác, còn lại toàn các ông bà già thì làm được cái gì”... “việc liên kết với Trang trại giáo dục (Erahouse), Quận rất thích mà khi đưa ra chả hộ nào hưởng ứng, không làm được đâu…” .Biết có nói gì thêm nữa thì cũng ko thể làm anh tin tưởng. Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi  hiểu rằng phải bằng thực tế hành động làm cho người dân thay đổi thì mới  làm cho anh thay đổi được, nên đã chọn phương pháp “Vừa nói – Vừa làm”.

Một loạt các khóa học về kỹ thuật canh tác rau VietGAP được tổ chức, 75 nông dân đại diện cho 75 hộ xã viên HTX được nghe, nhìn, thảo luận và thực hành ngay trên đồng ruộng của mình. Giảng viên tới từ Viện Rau quả TƯ hướng dẫn từ khâu làm đất, ươm giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm... Những người nông dân này còn được các Giảng viên đến từ CFRC đào tạo về quản lý kinh doanh hộ gia đình, nghiên cứu thị trường và lập ngân sách hộ gia đình, kỹ năng bán hàng. Một không khí hào hứng, phấn chấn của những học viên từ trong các khóa học ra tới ngoài đồng ruộng, lan tỏa ra cộng đồng. Đặc biệt khóa học giới thiệu về Luật HTX năm 2012 đã làm anh chủ nhiệm HTX  Đồng Tâm bừng tỉnh:

“cháu không ngờ xã viên của HTX bây giờ lại hào hứng muốn chuyển đổi sang mô hình kiểu mới đến thế”.



Rồi, mô hình tiêu thụ sản phẩm, các quầy bán lẻ rau quả với biển hiệu của HTX ra đời, thay thế các gánh hàng bán rong, các xe đạp thồ chạy loanh quanh ngoài đường để chào bán sản phẩm. Trang web của HTX cũng được thiết lập cùng với Hệ thống bán hàng trên mạng, bán hàng qua điện thoại, đưa hàng tới các bếp ăn, trường học, … cũng phát sinh từ đó. Lúc này sang gặp anh không còn thấy bộ mặt ngán ngẩm mà thay vì bằng sự vui vẻ mang chút tự tin cùng bàn bạc cho các hoạt động của giai đoạn 2 (1/12/2015-30/10/2016).

Đồng thời với một loạt các khóa đào tạo về mô hình HTX kiểu mới cho ban quản lý, các tổ hợp tác kinh doanh được thành lập, anh chủ nhiệm Hoàng mới vỡ nhẽ:

“Tới bây giờ tôi mới thật sự thấu hiểu về mô hình HTX kiểu mới. Nhất định HTX Đồng Tâm sẽ tổ chức đại hội chuyển đổi trong năm nay” (2016).

 Đó là lời phát biểu tại buổi bế giảng khóa huấn luyện về “Tổ chức và quản trị HTX kiểu mới của “anh chủ nhiệm HTX” Đồng Tâm - Nguyễn Xuân Hoàng. Ý tưởng liên kết cùng sản xuất kinh doanh với Trang trại giáo dục đã được anh đồng tình cùng với CFRC, Erahouse lên kế hoạch thực hiện. Ngay lập tức 5 hộ xã viên có trách nhiệm đã được anh cử ra liên kết với Erahouse. Tại lễ khai trương phiên chợ cuối tuần (Tháng 10/2016), khách tới dự không ai nghĩ anh là chủ nhiệm HTX mà họ cảm thấy anh như chủ nhà. Trên bục giới thiệu, anh đã làm cho khách thêm tin tưởng vào sản phẩm của nông dân Giang Biên. Tên tuổi và sản phẩm của xã viên Đồng Tâm gắn liền với Trang trại thông qua cửa hàng của ERAHOUSE từ đó.



Từ thành công này tới thành công khác của Dự án TAF đã thôi thúc anh phải tổ chức Đại Hội chuyển đổi. Cùng với tư vấn từ CFRC, anh đã chủ động dự thảo báo cáo đánh giá hiện trạng, Điều lệ HTX kiểu mới, và bản kế hoạch kinh doanh đã được hoàn thành. Tuy nhiên, khi bàn với anh về việc phải đào tạo 1 đội tuyên truyền viên để họ xuống các tổ hợp tác tuyên truyền sâu rộng tới nông dân, anh đồng ý nhưng vẫn không tin rằng những người xã viên lại có thể đi tuyên truyền. Một khóa TOT cho 12 cặp tuyên truyền viên được CFRC tổ chức.


Ngày cuối cùng của khóa TOT,  lãnh đạo 2 HTX tới dự, nghe các cặp tuyên truyền viên thực hành giới thiệu về mô hình HTX kiểu mới. “Anh chủ nhiệm HTX” không thể tin ở mắt mình, tai mình, cứ đứng lên, đi quanh để quay clip và chụp hình các cặp Giảng viên của hai HTX phường.

Tại Đại hội HTX, lần đầu tiên (tháng 11/2016), hơn 150 đại biểu xã viên HTX Đồng Tâm tham dự đã được chứng kiến cách làm mới, nhìn thấy người lãnh đạo của HTX mình trình bày các văn kiện trên màn chiếu với sự minh họa của đội tuyên truyền viên năng động và tài giỏi, khiến cho không khí phòng họp lắng lại theo dõi. Kết thúc Đại hội anh vui vẻ tâm sự:

“Lúc mới lên trình bầy, tôi run quá, khi nhìn thấy đội tuyên truyền lên sân khấu dán các bảng biểu hỗ trợ, tôi mới tự tin để phát triển thêm bài trình bày của mình”

Sau đó anh cũng đã trả lời đầy tự tin trước một số câu hỏi của đại biểu, mọi người khá hài lòng, trông anh rạng rỡ hẳn lên.

Khi được báo tin về việc Quỹ Châu Á tiếp tục hỗ trợ Giang Biên giai đoạn 3 (tháng 6/2017 – tháng 4/2018) tập trung củng cố hạ tầng hợp tác để sản xuất rau an toàn cho Hà Nội, anh rất vui.

Thực ra trong thời gian giữa hai kỳ dự án, anh đã chủ động làm hồ sơ đăng ký vùng sản xuất rau an toàn VietGAP với cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội và đã được cấp giấy chứng nhận; đã liên kết với doanh nghiệp Sông Hồng Farm để mở rộng tiêu thụ sản phẩm. Trong giai đoạn 3, việc lập kế hoạch kinh doanh không chỉ hướng dẫn cho cán bộ quản lý, kế toán mà còn hướng dẫn cho các hộ gia đình (157 người được đào tạo). Điều làm tôi mừng nhất là khác với các lần trước, việc lập KHKD chỉ do anh và kế toán làm thì lần này anh họp Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát để cùng nhau thảo luận, lựa chọn ra các loại dịch vụ mà HTX sẽ cung cấp cho Thành viên của mình

Ba thành viên bao gồm 2 phó giám đốc và trưởng ban kiểm soát (trước là kế toán) mới được bầu nhận nhiệm vụ tính toán kế hoạch kinh doanh chi tiết của 3 loại dịch vụ của HTX, bao gồm cung cấp phân bón, bao tiêu sản phẩm và dịch vụ đồng ruộng, Giám đốc Hoàng là người tổng hợp thành bản kế hoạch tổng thể của HTX Đồng Tâm.  Phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ Quỹ Châu Á, anh đã nói:

“Không thể ngờ rằng các thành viên của HTX khi được đào tạo về Marketing và thực hành thương mại tốt, họ đã lên được kế hoạch kinh doanh của từng hộ, trong đó nói rõ đầu vào họ cần HTX cung cấp những gì (phân bón, giống, thuốc BVTV), số lượng bao nhiêu, vào thời gian nào và đầu ra cũng vậy, họ yêu cầu HTX bao tiêu các loại sản phẩm gì, số lượng bao nhiêu, vào thời gian nào và cả giá bán của họ. Trên cơ sở rà soát và tổng hợp kế hoạch của từng hộ, HTX đã ra được bản kế hoạch cung cấp dịch vụ mang tính khả thi cao”.

Rõ ràng, dự án với thời gian 3 năm đã làm thay đổi từng con người trong HTX Đồng Tâm, Giang Biên từ chỗ thiếu năng lực, thiếu niềm tin đã trở thành những con người tràn đầy niềm tin vì họ đã có kiến thức, kỹ năng và thái độ với sản xuất rau an toàn. Từ “anh chủ nhiệm HTX” sang “anh Giám đốc HTX”, Nguyễn Xuân Hoàng đã biến đổi thành con người khác, biết tổ chức nhân sự, quản trị điều hành, quản trị tài chính, quản trị kinh doanh các dịch vụ của HTX và anh còn làm chủ website từ khâu viết bài, đăng bài, khai thác thông tin và kết nối kỹ thuật, thị trường với smartphone của các thành viên của mình. Hệ thống nhà lưới cả 1000 m2 đã chứng tỏ tiềm năng trong nông dân là có thật, vấn đề là làm sao để họ dám đầu tư cho sản xuất. Doang thu/ha năm 2017 của Đồng Tâm tăng gấp 3 lần so với trước khi dự án tới cũng tăng thêm động lực cho người Giám đốc sống giữa hai thời kỳ kinh tế bao cấp và kinh tế thị trường và nay đang chuyển đổi.

Tháng 6 năm 2018, khi dự án đã kết thúc, tôi có dịp hỏi thăm về nhà lưới của ba hộ mà dự án đã hỗ trợ một phần, anh vui vẻ thông báo:

 “ Hai hộ bà Thủy và bà Giáo đã làm xong nhà và đã gieo giống trong nhà lưới rồi, còn hộ ông Đạo lợp mái nữa là xong. cháu vừa ký hợp đồng với công ty dược Đại Bắc và giao cho bà Thủy giao hàng. Hy vọng rằng vụ rau năm nay của ba hộ này sẽ  không bị động bởi ông trời nữa. Bà con phấn khởi lắm cô ạ”

Hòa theo niềm vui của anh, vừa đi tôi vừa nghĩ, sao không tìm cách để nhân rộng mô hình này ra các vùng đô thị khác nhỉ?!  


Lê Lân