Mỗi bước chuyển mình là một câu chuyện của hy vọng

Tại bản Ngúa, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên – nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn, chị Lò Thị Chung là một trong những phụ nữ dân tộc thiểu số đang từng bước vươn lên với cửa hàng tạp hóa nhỏ của mình. Trước kia, hoạt động kinh doanh của chị chỉ dừng ở mức đơn giản: ghi chép bằng tay, bán hàng cho bà con quanh bản và phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân. Thiếu công cụ, thiếu thông tin, thiếu tự tin – đó là rào cản khiến chị nhiều lần chùn bước.

Từ khi chương trình tài chính vi mô được triển khai tại bản, chị Chung đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào việc kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, do vẫn chủ yếu bán hàng theo phương thức truyền thống, không có kỹ năng sử dụng công nghệ nên chị vẫn gặp không ít khó khăn. Bước ngoặt chỉ thật sự đến khi chị được tham gia dự án “Nâng cao năng lực và ứng dụng công nghệ số cho nhóm thu nhập thấp để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh đang phát triển (SGBs) tại khu vực miền núi Việt Nam” – do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Nguồn lực Tài chính Cộng đồng (CFRC) thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Châu Á.

Thông qua các lớp tập huấn thực hành và sự đồng hành sát sao từ dự án, chị Chung dần tiếp cận được những kiến thức và kỹ năng rất mới: cách sử dụng điện thoại thông minh để đăng bài bán hàng, ghi chép số liệu một cách khoa học hơn, lên kế hoạch chi tiêu và kiểm soát dòng tiền cơ bản. Từ một người gần như “mù công nghệ”, giờ đây chị có thể tự chụp ảnh, viết nội dung giới thiệu sản phẩm lên Facebook, Zalo, và kết nối với khách hàng ngoài khu vực bản.

“Giờ tôi không chỉ bán cho người quen nữa, có người ở tận xã bên cũng nhắn mua hàng qua điện thoại. Nhờ học cách tính toán, tôi biết được lời lãi mỗi ngày, không bị nhầm lẫn như trước,” – chị Chung chia sẻ với nụ cười rạng rỡ.

Những thay đổi ấy không chỉ giúp chị tăng doanh thu, quản lý hiệu quả hơn, mà quan trọng hơn cả là chị đã tự tin làm chủ hoạt động kinh doanh của mình. Không còn cảm giác bị động, chị chủ động tìm hiểu thêm, thử các hình thức bán hàng mới, và chia sẻ lại kinh nghiệm với chị em trong bản.

Đặc biệt, việc tham gia sinh hoạt nhóm cùng sở thích nuôi cá trong khuôn khổ dự án đã giúp chị Chung có thêm cơ hội học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các hộ khác. Nhờ những buổi gặp mặt định kỳ, các thành viên cùng nhau chia sẻ về kỹ thuật nuôi, cách chọn giống, xử lý nguồn nước và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, chị Chung không chỉ áp dụng kiến thức vào việc chăn nuôi phụ trợ tại gia đình, mà còn mở rộng thêm mặt hàng kinh doanh liên quan đến cá tại cửa hàng của mình.

Hành trình của chị Lò Thị Chung là minh chứng rõ ràng cho thấy: khi được trang bị kiến thức và công cụ phù hợp, người dân vùng cao hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ, cải thiện sinh kế và vươn lên một cách bền vững.

Thông qua dự án, CFRC và Quỹ Châu Á không chỉ trao cho chị một chiếc “cần câu”, mà còn góp phần thắp lên niềm tin, mở ra cơ hội phát triển cho cộng đồng – nơi mà mỗi bước chuyển mình đều là một câu chuyện của hy vọng.

Leave A Comment

Your email address will not be published *