Hoạt động
  • Quảng cáo 2
  • Banner STU
  • Quy sua cho tre phoi nhiem
  • MixMarket
Đối tác
  • Canadian Cooperative AssociationCordaid
  • RabobankRimansi
  • FordActionaid Vietnam
  • ChemonicsMcKnight
  • The Asia FoundationCFLI
27/08/2013 21:54:28 PM

Gánh hàng đặc biệt

(Lượt xem: 1684)


Gánh hàng đặc biệt của chị Lò Thị Sinh 
  Dọc trên con đường đất xuyên từ bản Én, bản Món, bản Nà Hốc tới bản Hới (xã Quài Tở, Huyện Tuần Giáo, Điện Biên), suốt hơn 10 năm nay dù ngày nắng hay mưa bão vẫn không vắng bóng một người phụ nữ hơn 50 tuổi dắt một chiếc xe đạp cũ, đèo một chậu đậu phụ đi bán. Đó là chị Lò Thị Sinh, thành viên dự án STU Tuần Giáo.
 
Chị Lò Thị Sinh vốn sinh ra tại Thành phố Điện Biên Phủ. Những năm 80, chị là nhân viên cho một Công ty thực phẩm tại Tuần Giáo. Tại đây, chị gặp và kết hôn với một người đàn ông địa phương tại Bản Én (Quài Tở) vào năm 1987. Chồng chị khi đó công tác trong ngành truyền thanh. Tuy nhiên, đến năm 88, cả hai anh chị bỗng thất nghiệp do bị nghỉ việc không chế độ lương hưu. Khi đó cháu đầu tiên của hai vợ chồng cũng vừa chào đời. Rồi trong vòng 4 năm tiếp theo gia đình có thêm hai cháu nhỏ. Anh chị còn gánh vác trách nhiệm chăm sóc bố mẹ chồng và hai người em chồng bị khuyết tật thần kinh. Trong khi đó cả nhà chỉ có 1 sào ruộng và ít nương để trồng lúa, trồng ngô. Cuộc sống gia đình vô cùng túng quẫn. Bữa cơm hàng ngày phải trộn củ nâu lấy trên rừng, một năm bị thiếu ăn 2-3 tháng.


Năm 1995, sau khi nghĩ “nếu chỉ biết làm ruộng như thế thì không thể đủ ăn”, anh chị xoay sang nuôi cá. Chị vay được 1 triệu từ nguồn vốn của Hội phụ nữ để nuôi cá. Thật không may khi cả ao cá của chị bị lũ cuốn trôi hết. Chị phải lấy ruộng đi cắm để có tiền trả vốn vay. Đến năm 2000, gia đình chị được vay Ngân hàng chính sách 2 triệu để chăn nuôi và làm đậu. Số vốn nhỏ nên anh chị phải rất khéo xoay sở để trang trải cuộc sống và cho các con ăn học. . Nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ là từ gánh đậu phụ của chị. Mặc dù thiếu vốn, nhưng gia đình chưa bao giờ dám vay vốn ngoài do lãi suất rất cao.


Những tưởng cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn khi chị bước sang tuổi 50 và các con cũng đã dần khôn lớn, tốt nghiệp cao đẳng và kiếm việc làm. Nhưng thật không may, chồng chị mắc nghiện ma túy. Chị nhớ lại những ngày mà việc đầu tiên trong ngày chồng chị nghĩ đến là lấy ít nhất 50.000 đồng để mua thuốc


Khi chúng tôi hỏi lý do tại sao chị quyết định tham gia dự án. Chị chia sẻ: “tháng 10/2012, khi dự án STU triển khai tại bản, được nghe cán bộ dự án giới thiệu về sản phẩm dịch vụ, tôi thấy rất thích. Lại đang lúc thiếu vốn làm nên đã đăng ký tham gia.” Cô con gái út vừa tốt nghiệp Cao đẳng mầm non nhưng chưa xin được việc, đang phụ giúp mẹ chăn nuôi và làm đậu cũng nhanh nhảu chia sẻ: “vì vay vốn của dự án được lợi cho mình, dễ duy trì, được trả dần chứ không phải lo một cục tiền lớn”.  Vay được 10 triệu vào đúng mùa thu hoạch đậu tương, chị dành ra 7 triệu để mua 700kg đỗ tương để được giá rẻ hơn. Chị dùng 3 triệu còn lại để mua thức ăn cho đàn lợn 10 con chị đang nuôi.


Mỗi ngày chị làm 10kg đỗ tương thành hai lần, sáng và chiều. Khu vực các bản chị sinh sống dân cư sống rải rác, đường đi khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa. Vì vậy, chị làm một gánh hàng di động đi qua khắp các bản. Chị không bỏ bán ngày nào, ngày mưa cũng như ngày nắng. Số đậu tương dùng tiền vay để mua đủ để sản xuất đậu trong vòng 3 tháng. Nhờ sự tần tảo của chị, mỗi ngày gia đình cũng thu nhập được hơn 250.000 đồng từ bán đậu, được lãi 100.000-150.000 đồng, đồng vốn được quay vòng nhanh. Trong vòng gần 1 năm, chị cũng đã xuất chuồng được 2 lứa lợn, thu nhập hơn 30 triệu.


Được sự giới thiệu của y tế, chồng chị cũng đã bắt đầu uống Methadone từ tháng 4/2012. Nhờ được ổn định sức khỏe hơn, chồng chị đã đỡ đần chị trong việc chăn nuôi tại gia đình.


Chị Sinh đang bán hàng

Ngoài tham gia các dịch vụ tài chính, chị Sinh còn được tập huấn Khởi nghiệp và Quản lý kinh doanh theo chương trình dự án M7-Sức khỏe bền vững. Sau khóa học, chị đã áp dụng vào để ghi chép thu chi hàng ngày, quản lý tách biệt tiền kinh doanh và tiền gia đình, biết tính toán lỗ lãi từ việc kinh doanh cũng như có thêm kỹ năng bán hàng hiệu quả. Được trang bị kiến thức và cách nhìn mới, chị đã quan sát và suy nghĩ ra ý tưởng kinh doanh mới. Chị quan sát thấy người dân trong vùng có nhu cầu thường phải đi ra tận ngoài Thị trấn Tuần Giáo để mua vì vậy chị dự định sẽ làm thêm bánh để bán dạo cùng đậu. Sang vòng vốn thứ 2, gia đình chị sẽ tiếp tục vay vốn để tiếp tục công việc hiện tại và thực hiện ý tưởng mới.