Hoạt động
  • Quảng cáo 2
  • Banner STU
  • Quy sua cho tre phoi nhiem
  • MixMarket
Đối tác
  • Canadian Cooperative AssociationCordaid
  • RabobankRimansi
  • FordActionaid Vietnam
  • ChemonicsMcKnight
  • The Asia FoundationCFLI
04/10/2016 10:00:04 AM

Tài chính vi mô - Công cụ giúp gia đình nghèo vượt khó

(Lượt xem: 1350)

Theo chân cán bộ dự án STU đi thẩm định vốn vay, tôi đến thăm nhà chị Quàng Thị Xoan, bản Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, một thành viên tham gia vay vốn của dự án.

Con đường đất nhỏ dẫn tới nhà anh chị, chiều rộng chưa đầy một mét, men theo sườn núi, bên kia là sườn đồi thoải dốc, chỉ cần lạng tay lái một chút là cả người và xe lao xuống chân núi. Chúng tôi phải để lại xe máy, đi bộ qua mấy con dốc, lội qua một con suối nhỏ mới tới nhà anh chị. Ngôi nhà sàn xiêu vẹo lọt thỏm trong thung lũng, bao quanh là núi đồi khiến ngôi nhà trông càng nhỏ bé, lẻ loi. Mái nhà được lợp bằng những tấm pro xi măng, tường nhà được quây chắp vá bằng những tấm bạt, tấm liếp đan bằng tre. Trưa nắng, ánh mặt trời chiếu xiên qua những kẽ hở trên mái, trên tường nhà đến chói mắt. Sàn nhà là những tấm liếp tre mà mỗi bước chân đi lại rung lên bần bật, không cẩn thận sẽ hụt chân lọt xuống khe sàn. Ngôi nhà không có đồ đạc gì giá trị, hai chiếc giường kê sát nhau, chăn màn quần áo treo một góc, mấy chiếc nồi niêu xong chảo treo nơi góc bếp.

Ngôi nhà ấy là chỗ trú ngụ cho bốn con người, gồm vợ chồng anh chị và hai cô con gái, cháu lớn 11 tuổi, cháu nhỏ lên 9. Bất hạnh thay cháu lớn nhà anh chị bị bệnh về thần kinh, anh chị đã tốn nhiều tiền thuốc thang chạy chữa, rồi mời cả thầy mo về cúng mà vẫn không hết bệnh. Cháu không theo được các bạn trong lớp nên phải nghỉ học, nhưng bù lại, cháu cũng biết ở nhà trông nhà, nấu cơm nước cho bố mẹ đi làm.

Cách đây 2 năm, qua những người dân sống trong bản, anh chị lần đầu biết đến dự án STU. Tham gia dự án ngoài việc vay vốn, gửi tiết kiệm, còn được tham gia sinh hoạt nhóm cụm, tập huấn về kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi nữa. Anh chị về bàn bạc quyết định đăng ký tham gia dự án để vay vốn phát triển kinh tế. Ban đầu anh chị chỉ dám vay mức vốn rất  nhỏ - 3 triệu đồng để mua cá giống về thả ao. Một năm sau khi trả hết vòng vốn thứ nhất, anh chị lại mạnh dạn đăng ký vay vốn vòng hai với mức cao hơn là 6 triệu đồng. Với số vốn này cộng với lời lãi từ lứa cá lần trước, anh chị đầu tư một phần vào mua cá giống, một phần sửa lại chuồng trại và mua lợn con về nuôi.     

Để có tiền trả tiền kỳ một tháng hai lần cả gốc và lãi, anh đi bốc vác thuê cho một cửa hàng xi măng bên ngoài thị trấn, chất xi măng khiến anh bị dị ứng mẩn đỏ khắp người. Phụ giúp anh, chị đi bán rau, đến mùa măng thì lên rừng kiếm măng đem ra chợ bán. Hai năm vay vốn, anh chị chưa để chậm trả một ngày nào. Ngày thu kỳ đến, chị lúc nào cũng là người mang tiền ra nộp sớm nhất cụm.

Anh thật thà chia sẻ: “Mình vay thì phải trả đúng hẹn chứ, không trả đúng thì nhà nước không hỗ trợ cho mình vay nữa đâu. Vay vốn này được trả dần, không lo phải trả một cục tiền to, hết vòng vốn là cũng hết nợ rồi, tiền bán cá bán lợn để mua gỗ xây nhà

Chăm chỉ cặm cụi làm ăn tích cóp, anh chị mong chờ đến ngày thu hoạch cá là đủ tiền để dựng căn nhà mới. Nhưng thật không may, trận lũ lụt lớn bất ngờ xảy ra vào hồi tháng 8 năm ngoái đã cuốn trôi tất cả ao cá, lợn gà đi. Bao nhiêu mồ hôi công sức bỏ ra, bao nhiêu hi vọng về một ngôi nhà mới đã tan thành mây khói. Sau biến cố ấy, anh chị lại cố gắng vực dậy, khôi phục lại kinh tế với sự lạc quan, chăm chỉ vốn có. Đến vòng vốn này, anh chị lại đăng ký vay 7 triệu để đầu tư vào áo cá, sửa lại chuồng trại rồi mua thêm mấy con lợn về nuôi.

Rời nhà anh chị mà trong lòng tôi vẫn còn vấn vương bao cảm xúc, thương cái sự nhọc nhằn, khắc nghiệt của cuộc sống mưu sinh, cảm mến đức tính thật thà, siêng năng, cảm phục ý chí vượt lên khó khăn của những con người ấy. Nhìn anh chị, mọi khó khăn, gian khổ trong công việc như được đẩy lùi ra xa, chúng tôi lại có thêm động lực để tiếp tục đem những đồng vốn ít ỏi nhưng đầy ý nghĩa tới tận tay những người thực sự cần chúng.

Gia đình chị Xoan chỉ là một trong rất nhiều những hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên đất Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đang nhận hỗ trợ từ chương trình tài chính vi mô của CFRC. Họ đều là những người nông dân thật thà, chất phác, cần cù lao động. Nhưng cái khó bó cái khôn, việc thiếu kiến thức kỹ năng, hạn chế tiếp cận các dịch vụ tài chính và điều kiện thiên nhiên địa hình khó khăn thiếu thốn ở một vùng miền núi đã khiến cho cuộc sống của họ vẫn luẩn quẩn trong cái vòng đói nghèo, lạc hậu. Tài chính vi mô đang góp phần giải quyết những vấn đề trên một cách âm thầm nhưng đầy hiệu quả. Tài chính vi mô luôn đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, vươn tới nhứng căn nhà xa xôi hẻo lánh nhất, phục vụ cho những con người nghèo khó nhất.