Hoạt động
  • Quảng cáo 2
  • Banner STU
  • Quy sua cho tre phoi nhiem
  • MixMarket
Đối tác
  • Canadian Cooperative AssociationCordaid
  • RabobankRimansi
  • FordActionaid Vietnam
  • ChemonicsMcKnight
  • The Asia FoundationCFLI
16/08/2012 20:15:25 PM

Diễn đàn BHVM Việt Nam lần thứ nhất

(Lượt xem: 1937)

Ngày 9 tháng 3 năm 2011, Trung tâm Nguồn lực tài chính Cộng đồng (CFRC) đã phối hợp cùng với tổ chức RIMANSI (Philippines) và Dự án Nâng cấp Quỹ Tương trợ (MAF) của Hội LHPN Việt Nam đồng tổ chức diễn đàn Bảo hiểm vi mô Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Mở rộng hoạt động Bảo hiểm vi mô cho khu vực dân cư có thu nhập thấp”.

Tới dự diễn đàn này có 69 đại diện từ 25 tổ chức bao gồm các Bộ ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các tổ chức hoạt động tài chính vi mô trong nước, các tổ chức Phi chính phủ trong nước và quốc tế, các công ty Bảo hiểm, các trường đại học và các cơ quan báo chí truyền thông. Diễn đàn được khai mạc bởi bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Phó Chủ tịch hội LHPNVN.
   
                    

Qua diễn đàn, các đại biểu tham dự đã có cơ hội hiểu sâu hơn về bảo hiểm vi mô (BHVM) và thị trường mà nó hướng tới. Qua phần giới thiệu của ông Epifanio A. Maniebo – Giám đốc điều hành RIMANSI, bức tranh mô tả chi tiết về BHVM đã được đưa tới người nghe, từ định nghĩa cho đến các tính chất cơ bản nhất của BHVM. Bên cạnh đó, bài trình bày của bà Phan Thị Tuyết Thanh – Điều phối viên ILO – về “Hiện trạng thị trường bảo hiểm cho người thu nhập thấp tại Việt Nam” đã cho thấy thực trạng ở nước ta, thị trường rất tiềm năng với hơn 11,5 triệu người nghèo và 20 triệu người thu nhập thấp (số liệu của Bộ LĐTBXH năm 2009) nhưng chiến lược phát triển lại chưa rõ ràng. Bài trình bày cũng đưa ra lý do tại sao thị trường BHVM chưa phát triển như: (1) Hạn chế về nhận thức và thái độ; (2) Hạn chế về thiết kế sản phẩm; (3) Hạn chế về thể chế; (4) Hạn chế về chính sách.

Trên quan điểm của cơ quan điều hành, ông Nguyễn Văn Thành – Phó phòng Bảo hiểm Phi nhân thọ, Bộ Tài chính – cơ quan quản lý hoạt động bảo hiểm, sau khi trình bày về tình hình triển khai BHVM tại Việt Nam cũng đã phân tích giúp làm rõ hơn nguyên nhân cơ bản của các hạn chế khiến thị trường chưa phát triển. Theo ông, nguyên nhân đầu tiên chính là môi trường chính sách chưa rõ ràng. Mặc dù luật kinh doanh bảo hiểm đã được sửa đổi và có các thông tư hướng dẫn nhằm điều chỉnh đáp ứng những nhu cầu thúc đẩy kinh doanh bảo hiểm, trong lĩnh vực cụ thể như BHVM thì chưa có chính sách cụ thể để thúc đẩy BHVM phát triển. Ngoài ra, chính các doanh nghiệp bảo hiểm chưa quan tâm phân khúc thị trường BHVM do hiệu quả kinh doanh thấp, rủi ro cao. Ông cũng cho biết thêm, việc triển khai BHVM vẫn còn là 1 thách thức lớn và cần phải có chiến lược ở cấp độ vĩ mô của Nhà nước cũng như nỗ lực chung sức của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính, cùng với các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức có liên quan đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm Quốc tế cũng như thực trạng trong nước để thúc đẩy triển khai BHVM tại Việt Nam. Trước mắt, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng chính sách bảo hiểm nông nghiệp dành cho người thu nhập thấp, đang trình Chính phủ cho thực hiện đề án này từ 2011 đến 2013 hướng đến cung cấp bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân, để hỗ trợ đáp ứng được nhu cầu của nông nhân như: cây lúa, vật nuôi, thủy sản.

Bên cạnh các bài trình bày trên là 3 bài trình bày từ các đại diện của các tổ chức hiện đang thực hành sản phẩm BHVM. Tuy nhiên, việc triển khai sản phẩm được thực hiện theo 2 mô hình khác nhau; Hội LHPN kết hợp với công ty bảo hiểm Manulife thông qua kênh cung cấp là hội phụ nữ các cấp trong khi Quỹ Tình thương T.Y.M và CFRC triển khai dự án Quỹ tương trợ (MAF)/ Quỹ bảo vệ tương hỗ (M7MPA) cho thành viên thông qua các tổ chức TCVM. Tuy mục tiêu chung cùng là cung cấp các sản phẩm bảo vệ cho những người có thu nhập thấp; mục đích của Manulife và Hội LHPN là giúp hội viên hội phụ nữ là người nghèo/thu nhập thấp có giải pháp tài chính an toàn, chủ động khắc phục hậu quả khi gặp rủi ro và tiết kiệm; còn mục đích của MAF và M7MPA là giúp các khách hàng TCVM - những người nghèo, nhóm thu nhập thấp, đặc biệt là phụ nữ - bảo vệ được những thành quả do Tài chính vi mô đem lại, tăng cường khả năng chống đỡ khi gặp phải rủi ro, giảm khó khăn và tránh không bị rơi vào thảm cảnh hoặc tái nghèo. Sự khác biệt cũng nằm ở mức phí, mức hỗ trợ và phạm vi hỗ trợ dành cho khách hàng; mức phí của Manulife cao hơn so với các Quỹ tương hỗ nên mức hỗ trợ cũng cao hơn nhưng MAF và M7MPA lại có hỗ trợ viện phí cho khách hàng. Ngoài ra, biểu đồ phát triển của khách hàng của 2 mô hình cũng có sự trái ngược, trong khi tỉ lệ duy trì hợp đồng của Manulife là 60% (40% số hợp đồng mất hiệu lực), giảm so với ban đầu thì tỉ lệ khách hàng của các Quỹ tương trợ/bảo vệ tương hỗ lại tăng dần theo thời gian Quỹ triển khai sản phẩm.


                      
                        Ảnh: Bài trình bày của bà Cao Thị Hồng Vân về mô hình hợp tác với Manulife

Trong quá trình hoạt động, các tổ chức cũng gặp rất nhiều khó khăn, tác động có thể đến từ bân ngoài hoặc ngay chính từ bên trong bộ máy vận hành. Nhưng tín hiệu đáng mừng mà các tổ chức đều nhận thấy chính là sản phẩm đang dần được người dân chấp nhận và được cộng đồng cũng như chính quyền địa phương đánh giá cao.

Được nhận định là một công cụ then chốt giúp người dân nghèo vượt qua được những khó khăn không lường trước, BHVM đang dần nhận được sự quan tâm của xã hội và Chính phủ. Tuy nhiên, do hoạt động BHVM tại Việt Nam đang ở giai đoạn mới hình thành, còn rất non trẻ cả về thể chế và khung pháp lí. Chính vì vậy, các nhà đồng tổ chức của Diễn đàn BHVM Việt Nam lần thứ nhất hy vọng diễn đàn sẽ tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động này phát triển, tạo tiếng vang nhằm thu hút nhiều hơn sự chú ý của các cơ quan chủ quản và các bộ ngành Chính phủ.